Lớp luyện thi B1, B2 cấp tốc trong 10 buổi học
Chỉ trong 10 buổi học Bạn có thể nâng cao khả năng thi đạt chứng chỉ Vstep.
Mới đây, nhiều giáo viên đang công tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục gửi phản ánh đến báo Người Đưa Tin về công văn của Sở Gíáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Đồng Nai ký ngày 15/4 liên quan đến việc “Đào tạo chuẩn giáo viên theo đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 và xét hạng ngạch công chức cũng như xếp hạng giáo viên theo thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Nội Vụ”.
Công văn Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai gửi đến các phòng giáo dục và các trường trên địa bàn tỉnh |
Giáo viên phản ánh bị Sở “bắt buộc” học ngoại ngữ
Cụ thể có nhiều phản ánh gửi về với nội dung như sau: Cách đây không lâu Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai có gửi công văn cho các Phòng giáo dục, trường ĐH, CĐ, trường THPT, THCS, Tiểu học, TTGDTX, trên địa bàn tỉnh về việc bắt buộc tất cả giáo viên (đến hết ngày 30/5) phải đăng kí ôn thi và thi để được cấp chứng chỉ tiếng Anh, tiếng Pháp từ bậc 2 đến bậc 5 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam.
Theo các giao viên trình bày, mục đích lấy chứng chỉ ngoại ngữ là để đào tạo giáo viên theo đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020 và xét hạng nghạch công chức cũng như xếp hạng giáo viên theo thông tư liên tịch giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ.
Tập thể giáo viên đặt ra một câu hỏi lớn là hiện nhiều người có chứng chỉ tiếng Anh (A,B...) do các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế cấp rồi sao vẫn bắt buộc học? Đi học ôn, đi thi rất tốn kém một khoản lớn từ khoảng 3,5 – 10 triệu đồng. Và họ cho rằng nếu để đạt chuẩn hóa thì tại sao bắt giáo viên phải chi trả mà không phải là tiền từ ngân sách. Ngoài ra trong công văn thì Sở còn chỉ định thẳng nơi học và chứng chỉ phải đạt được từ một số cơ sở đào tạo cấp gồm Công ty TNHH thương mại và Phát triển Giáo dục Việt Nam và Công ty cổ phần giáo dục Delta. Tập thể giáo viên đặt ra nghi ngờ, liệu có lợi ích cục bộ giữa Sở này và các công ty trên hay không?
Các giáo viên cho rằng việc họ giảng dạy các môn học khác, không phải là ngoại ngữ thì bắt buộc có chứng chỉ ngoại ngữ theo khung năng lực để làm gì, trong khi họ không sử dụng thường xuyên, sẽ dễ quên!
Tin tức mà PV Người Đưa tin xác nhận trên công văn do Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai gửi đến các phòng, trường, cơ sở giáo dục... trên địa bàn tỉnh thì không có chữ “bắt buộc” các giáo viên phải tham gia học ngoại ngữ. Tuy nhiên khi kết thúc thì công văn trên lại ngắn gọn với dòng “Nhận được công văn trên, đề nghị các đơn vị, khẩn trương triển khai thực hiện”. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm hiểu thì ngoài các trường thống báo là Sở bắt buộc học thì cũng có nhiều trường không xảy ra tình trạng này.
"Chỉ là công văn hướng dẫn, không ép buộc"
Vì vậy để làm sáng tỏ vấn đề này, PV Người Đưa tin đã liên hệ với Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai để có câu trả lời chính xác nhất.
Ông Võ Ngọc Thạch - Phó giám đốc Sở xác nhận, vào giữa tháng 4, ông Thạch có ký một công văn liên quan đến vấn đề học ngoại ngữ của các giáo viên trong tỉnh. Tuy nhiên theo ông Thạch thì đây chỉ là công văn hướng dẫn, thông tin về các cơ sở đào tạo uy tín, đủ năng lực cấp chứng chỉ ngoại ngữ để các giáo viên tham khảo, đăng ký học nếu có nhu cầu. Tránh trường hợp các giáo viên lựa chọn những trung tâm không uy tín, không đủ năng lực cấp chứng chỉ, dẫn đến tình trạng “tiền mất, tật mang”. Ông Thạch khẳng định là Sở không có bất kỳ sự bắt buộc nào trong công văn như các giáo viên phản ánh.
Và cũng theo ông Thạch thì hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã có khoảng 40% giáo viên đạt chuẩn theo đề án ngoại ngữ Quốc gia 2020. Và số giáo viên này được học bằng ngân sách hỗ trợ. Nhưng đến nay vẫn chưa có thêm ngân sách vì vậy Sở thông báo để ai có nhu cầu thì có thể tự đăng ký tham gia học, ôn thi và thi.
Ông Thạch cũng cho biết thêm, các đơn vị mà Sở giới thiệu đến các giáo viên đều là các đơn vị được Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục xác nhận đủ điều kiện, năng lực cấp các chứng chỉ trên. Ngoài các đơn vị này thì hiện vẫn còn nhiều cơ sở khác có nguyện vọng muốn được tham gia đào tạo cấp chứng chỉ. Và các đơn vị này đều nộp hồ sơ tại Sở, Sở cũng gửi lên Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục nhờ xem xét, nếu đủ điều kiện năng lực thì Sở lại tiếp tục giới thiệu đến các giáo viên.
Ông Thạch cũng nói thêm rằng, việc học này là tự nguyện và nó mang lại lợi ích cho chính bản thân người học. Còn Sở chỉ định hướng, hướng dẫn, thông tin về các cơ sở uy tín. Nhưng nếu giáo viên có nhu cầu học mà không muốn học tại các đơn vị mà Sở giới thiệu thì vẫn có thể tìm các trung tâm khác để học, miễn sao những trung tâm đó đủ khả năng cấp chứng chỉ là được.
Và ông Thạch có nhắc đến việc trước khi Sở ra công văn trên thì trước đó đã có một buổi hội thảo diễn ra tại hội trường của trường Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) với sự tham gia của khoảng 300 người là đại diện các phòng, trường học trên địa bàn tỉnh. Tại đây các đơn vị trên đã giới thiệu đến những đại diện này một số phần mềm học tiếng Anh tại nhà cho ai có nhu cầu. Và tại hội thảo này Sở cũng giải thích, hướng dẫn kỹ với các đại diện để về chuyển tải thông tin đến các giáo viên khác việc tự nguyện đăng ký học.
“Thực chất chúng tôi ra công văn này vì gần đây qua theo dõi báo đài thì tôi biết được trên địa bàn nhiều tỉnh, thành khắp cả nước xảy ra tình trạng nhiều giáo viên tự tìm hiểu rồi đến các trung tâm thiếu uy tín để học ngoại ngữ. Tuy nhiên không phải đâu cũng là trung tâm chất lượng và đủ năng lực cấp các chứng chỉ ngoại ngữ đạt yêu cầu. Với lại trên báo còn nói đến việc nhiều giáo viên tự mua chứng chỉ.
Vì vậy chính Sở đã tự tìm hiểu một số công ty, một số trường uy tín đủ năng lực cấp các chứng chỉ trên để giới thiệu đến các giáo viên. Mục đích là để giúp các giáo viên có nhu cầu học ngoại ngữ tìm được một cơ sở đào tạo uy tín, đủ năng lực, tránh việc tiền mất tật mang. Hơn nữa các đơn vị Sở giới thiệu cũng tạo điều kiện cho các giáo viên trong quá trình học và thi, nếu thi chưa đậu sẽ cho thi lại,…
Sở chỉ giới thiệu và tất cả đều tự nguyện, không có bất kỳ sự ép buộc nào ở đây. Thật sự khi biết được giáo viên của mình phản ứng như vậy và nói là bị Sở ép học, bắt buộc học thì tôi rất buồn. Và tôi khẳng định một lần cuối, chúng tôi không bắt buộc giáo viên của mình, vì đó là nhu cầu của các giáo viên. Nếu họ muốn học thì họ có thể tìm đến bất cứ cơ sở nào để học lấy chứng chỉ”, ông Thạch khẳng định.
Nguyễn Nhâm(http://www.nguoiduatin.vn/)